Sinh ra đã thiếu tình thương, hơi ấm của cha mẹ nên chị Đinh Ngọc Bích, Giám đốc Phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dạ Thảo Liên, tổ 13, phường An Tường (TP Tuyên Quang) thấu hiểu những thiếu thốn, mất mát của những đứa trẻ mồ côi. Chị tâm sự, tuổi ấu thơ gian khổ là thế nhưng chị may mắn nhận được sự thương cảm, giúp đỡ của nhiều trái tim nhân hậu.
Biết ơn và cảm phục những tấm lòng thơm thảo, nay đã thành công, chị đền đáp lại bằng cách lan tỏa những việc làm thiện nguyện. “Tôi làm từ thiện không cần lý do, có khi đi vào viện khám, gặp một bệnh nhân bị ung thư tôi cũng giúp họ. Đối với tôi, được cho đi như nhân lên niềm hạnh phúc…” – chị Bích tâm sự. Trong 5 năm qua, chị Bích là thành viên tích cực tiêu biểu của Hội Chữ thập đỏ phường An Tường. Trung bình mỗi năm, chị đóng góp hàng chục triệu đồng để giúp người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ tại địa phương và mọi miền Tổ quốc…
Hội Doanh nghiệp huyện Sơn Dương hiện có 47 hội viên. Bên cạnh việc hưởng ứng các phong trào do các đoàn thể phát động, hội thường xuyên chủ động tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tạo điều kiện giúp đỡ cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại địa phương vươn lên. Riêng năm 2020, hội đã đóng góp 90 triệu đồng cho hoạt động nhân đạo. Ông Triệu Văn Xuyên, người khuyết tật tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện tâm sự, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông đã được Hội Doanh nghiệp huyện Sơn Dương đến thăm hỏi và tặng quà. Với một người bị khuyết tật vận động như ông, đây là một niềm an ủi, động viên lớn. Ông hy vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển lớn mạnh, từ đó có điều kiện để quan tâm đến công tác an sinh xã hội tại địa phương. Qua đó, những người khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin sẽ có điều kiện tiếp cận những nguồn hỗ trợ để nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp tặng xe lăn
cho người khuyết tật phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang).
Hàng năm, từ những đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, công tác bảo trợ xã hội được thúc đẩy và trở thành phong trào mạnh mẽ. Nhiều đối tượng bảo trợ đã được giúp đỡ, cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo ông Dương Phạm Tường, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh, đối tượng người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh có trên 29.000 người, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, hội đã kêu gọi, vận động và nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Với sự giúp đỡ hàng trăm triệu đồng mỗi năm, doanh nghiệp địa phương đã cùng chung tay tạo sinh kế, hỗ trợ phương tiện sinh hoạt, trao học bổng, động viên về vật chất và tinh thần cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Đặc biệt trong năm 2020, sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng họ vẫn luôn nỗ lực làm tốt trách nhiệm với cộng đồng. Sự đồng hành đầy nhân ái của những mạnh thường quân ấy đã giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi xóa đi phần nào mặc cảm, tự ti vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ, thực hiện công tác thiện nguyện còn là trách nhiệm của mỗi doanh nhân đối với cuộc sống cộng đồng. Hàng năm, các doanh nhân trên địa bàn tỉnh ủng hộ hàng trăm triệu đồng chăm lo cuộc sống người khuyết tật, trẻ mồ côi, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới.
Nguồn Báo Tuyên Quang: Tấm lòng doanh nhân (baotuyenquang.com.vn)
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dạ Thảo Liên, tổ 13, phường An Tường tặng quà
cho người khuyết tật và hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường.